Chương 7
Tham gia sự kiện với các nhà tuyển dụng cao cấp

By Sang Nguyen

Trong lúc du học Canada, ngoài việc tìm hiểu, khám phá về những điều chưa biết của bản thân, mình cũng hay tìm kiếm các cơ hội kết nối với những người làm trong các công ty hay các công việc mình thích làm. Từ đó, có thể giúp mình học những điều hay từ họ, và từ mỗi sự kiện sẽ giúp mình kết bạn với những người cùng tư duy, cùng chí hướng.

Mình nghĩ giá trị tiếp theo của việc du học nước ngoài ngoài những trải nghiệm bằng xương bằng thịt, đó là môi trường để mình thỏa sức tìm ra nhiều người đồng chung chí hướng, gặp những người với các nhóm, nét tính cách khác nhau, các nhóm ngành nghề khác nhau mà mình ít khi thấy ở xứ “Huệ” (Huế) của mình. Và với sự đa dạng này giúp mình mở rộng tầm mắt hơn, giúp mình nhận ra và sửa đổi lối tư duy thiển cận “ếch ngồi đáy giếng” của mình trước đó.

Thế là qua kỳ thứ hai của chương trình học, mình bắt đầu tìm hiểu các chương trình làm sao có thể kết nối giữa sinh viên với các nhà tuyển dụng cấp cao. Lúc đó, mình đã nhận ra được công việc thật sự yêu thích của mình, sự nghiệp như thế nào là có ý nghĩa đối với mình. À mà cái khoảnh khắc mình nhận ra được mình thích làm việc chi ấy, cảm giác cứ lâng lâng như trên mây, cái cảm giác ấy cứ trỗi dậy sau mỗi lần tiếp xúc hay trải nghiệm với mỗi hoạt động, công việc khác nhau. Vui lắm các bạn ạ!

Mình vẫn còn nhớ khi đó đang trên chuyến xe buýt về nhà xế chiều sau giờ học, ngẫm ra được cái mình thật sự đam mê là gì, mình muốn gì, cảm giác như Eureka, mình tìm thấy rồi, và cười tủm tỉm như người “tưng tưng”. Từ đó, mình cứ tích cực nghiên cứu các chương trình làm sao để được gặp những nhà đại diện cấp cao trong các tổ chức, công ty ở Canada lúc bấy giờ.

Rồi thì thông tin mình cần cũng đến từ bộ phân quản lý của nhóm cựu sinh viên chia sẻ.

Đó là chương trình gặp mặt, kết nối trong bữa tiệc miễn phí tại một nhà hàng cao cấp với các cấp quản lý trong các công ty đầu ngành tại Canada về lĩnh vực marketing, sáng tạo nội dung, tài chính và thương mại quốc tế. Chương trình kêu gọi mọi ứng viên nộp hồ sơ từ 13 trường đại học, cao đẳng công lập có tiếng khắp tỉnh bang Ontario – tỉnh bang lớn nhất ở Canada với gần 500 người nộp đơn, và chỉ chọn 79 người tham gia vào bữa ăn tối đó. Thông qua vòng một là xét bài luận của sinh viên, đến vòng hai là thiết kế website giới thiệu về bản thân cũng như các thành tựu như một sơ yếu lý lịch xin việc theo phong cách sáng tạo, chứ không phải trên trang giấy trắng format như thường lệ.

Với lợi thế có kênh YouTube và vừa làm vừa học cách tạo website, mình đã qua trót lọt những vòng đầu tiên. Vòng cuối là bao gồm thêm hai cuộc phỏng vấn nữa với đại diện của nhà trường và đại diện bên phía công ty tài trợ chương trình. Thật sự, lúc đó mình hồi hộp hết chỗ nói. Giờ mình còn nhớ ngày gọi đi phỏng vấn là một ngày trời đông tuyết rơi dày đặc, mình cảm thấy rối bời, lo lắng đủ thứ, từ chuyện chọn trang phục đi phỏng vấn, mang gì hợp thời trang và cả hợp thời tiết, cuối tuần xe buýt đợi lâu hơn ngày thường, tới đó liệu có bị bão tuyết không.

Rồi trong lúc đứng đợi xe ngoài tuyết vào một ngày cuối tuần vắng vẻ, mình lại chạnh lòng suy nghĩ vì răng phải thông qua nhiều quy trình thế này để gặp một nhóm người cấp cao nào đó mình không biết, vì răng mình không biện lý do là sợ bão tuyết này nọ để ở nhà cho khỏe, vì răng khi không phải đi du học Canada để chừ phải tự đương đầu nhiều khó khăn như này.

Khi tâm trạng tiêu cực đó đến, mình lại quay về mục tiêu ban đầu, đó là đi để gặp những quản lý cấp cao, đi để học, để tận dụng hết thời gian có thể một cách ý nghĩa nhất trong quá trình ở Canada, nên mình cứ vậy đợi xe buýt và đến công ty phỏng vấn. Cuối cùng, mình đậu.

Chưa hết, vì muốn đi mô cũng để lại chút dấu vết tích cực từ bản thân, là người con của xứ Huế, dân Việt, không để làm mất mặt xứ Huế, Việt Nam, mình chủ động kiến nghị ban tổ chức cho phép mình được mang Áo Dài truyền thống trong bữa tiệc đó thay vì mang đồng phục theo lối trang trọng như các doanh nhân vẫn thường mang. Thế là họ đồng ý ngay.

Đến khi vào gia nhập bữa tiệc, tự nhiên thấy mỗi mình mình mang Áo Dài, cảm giác khá là xấu hổ vì không giống ai cả. Tuy nhiên, mình tự dặn bản thân là mình muốn quảng bá Việt Nam với Áo Dài mà, đã quyết định rồi thì sao lại ngại. Vậy là mình cũng mạnh dạn đứng lên đại diện bàn tiệc chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận của sinh viên quốc tế trong quá trình học và chuẩn bị ra trường cùng với ngỏ ý mời gọi họ ghé thăm Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Và sau thời gian tham gia bữa tiệc đó, mình đã có thêm nhiều kết nối mà mình rất trân trọng đến nỗi có tiền chắc cũng không mua được những mối quan hệ này, hay cảm xúc tự hào chỉ có một lần trong đời đối với mình như thế.

Hết đoạn cố gắng tham gia hoạt động với các nhà quản lý cấp cao, mình lại tiếp tục tìm người trong lĩnh vực mình yêu thích, đó là giáo dục tài chính cho người trẻ. Thông qua một người bạn mình quen trong hội nghị ngân hàng ở Toronto, mình đã kết nối Linked In với một CEO của một học viện Giáo Dục Tài Chính cho trẻ em, thanh thiếu niên và cả phụ huynh.

Làm quen với một người chức danh CEO của một công ty ở Canada, chắc các bạn cũng đoán được là cơ hội để họ trả lời tin nhắn, được gặp mặt, trao đổi thảo luận về một vấn đề sẽ khó khăn cách trở như thế nào. Tuy nhiên, như mình chia sẻ từ những chương trước, một khi mình biết được bản thân thích làm chi là mình sẽ nỗ lực hết mình để đạt thứ mình muốn, mình không quản ngại những chông gai phía trước nữa.

Vậy là các bạn có thể đoán tiếp qua email, qua tin nhắn, mất bao lâu thời gian mình mới gặp được cô CEO đó không? Mất hết một năm rưỡi thời gian mình ở Toronto đấy. Rồi các bạn có thắc mắc làm sao để cô đồng ý gặp mình không? Đơn giản là nhờ sự sự đam mê nhiệt huyết trong lĩnh vực này làm mình trở nên một đứa khá lì, khá kiên trì để quyết tâm gặp cô cho bằng được.

Thứ hai là như cách tiếp cận ban đầu ở chương một khi mình muốn tìm gặp mentor, lần này mình cũng nghiên cứu về cô cũng như học viện của cô xem nếu kết nối với mình, giúp mình thì sẽ tạo ra giá trị gì cho công việc trong tương lai của cô. Rồi lại nhớ tiếp, cái khoảnh khắc nhận được email đồng ý gặp mặt, mình vui mừng khôn siết, đến lúc tới nơi rồi, cô đó bận việc đến nỗi cũng cho mình đợi thêm gần một tiếng nữa rồi cuối cùng cũng gặp được cô.

Sau đó mình và cô trao đổi thảo luận về chuyên môn giáo dục tài chính, cô phân tích thị trường của lĩnh vực này, cô hỏi cô giúp được gì mình, mình hỗ trợ gì được cho cô, tóm lại là trong hành trình tìm kiếm sự chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác từ những người tuổi đời và tuổi nghề gấp đôi, gấp ba lần mình, làm sao để tạo mối quan hệ bình đẳng, hợp tác cân bằng lợi ích giữa hai bên là điều quan trọng nhất.

Vậy là mình đề xuất giúp cô làm video chia sẻ về chủ đề giáo dục tài chính cho người trẻ, và cô sẽ cung cấp mình các phương pháp giáo dục cũng như tài liệu cô sử dụng cho học viện của cô. Thế là mối quan hệ mới được hình thành giữa một cá nhân sinh viên quốc tế nhỏ bé với một CEO dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực Giáo Dục Tài Chính ở Canada mà mình yêu thích.

[To be continued…]