Chương 6
Chưa Bao Giờ Dám Nghĩ
Tới GPA 4.0 Cho Đến Khi Sang Canada

By Sang Nguyen

Du học Canada có thể được xem như là cái duyên của mình. Số là trong gia đình mình hiếm ai có suy nghĩ sẽ muốn đi xa Huế, mà có suy nghĩ đi chăng nữa thì cũng không muốn dấn thân ra khỏi xứ Huế mộng mơ này. Thêm nữa, đa phần đều thích sự an toàn và sự yên bình của Huế cùng tính gắn kết với gia đình rất lớn, nên để quyết định dứt áo đi xa một thời gian quả là cân não.

Trước lúc đi mình cũng đang có công việc như mơ ở Huế, lúc đầu gia đình bạn bè đều không ủng hộ vì lo mình phận gái, đi xa không thân thích, bà con, lỡ có bị chi cũng không biết kêu ai. Nhưng thấy mình có khát khao, hoài bão muốn đi khỏi miền Huế một thời gian cho biết thế giới ngoài kia như thế nào nên mọi người cuối cùng rồi cũng ủng hộ.

Mình luôn thật sự muốn thử sức bản thân xem tính độc lập ra sao, xem không có gia đình, người thân ở bên thì mình sẽ cảm nhận như thế nào, muốn trải nghiệm nhiều hơn với đủ cung bậc cảm xúc và công việc khác nhau để biết mình sẽ muốn làm gì tiếp, làm sao tuổi trẻ của mình không bị phí hoài và để xem tới khi kết thúc cuộc đời này, mình sẽ để lại chi cho thế hệ sau này.

Đến lúc nghe tin mở ra chương trình học bổng ở đất nước mình ưa thích – Nhật Bản, vậy là mình chuẩn bị hồ sơ nộp liền. Mình còn nhớ lúc mình nộp hồ sơ du học chương trình sau đại học ở Nhật, mình đặt niềm hi vọng rất lớn vì nhiều tiêu chí của nó rất phù hợp với mình, sếp mình còn đoán chắc mình sẽ đậu và chuẩn bị các phương án dự phòng nhằm giúp các công việc của tổ chức không bị trì hoãn.

Nhưng tiếc là mình đã bị rớt, giờ mình vẫn còn nhớ cái khoảnh khắc nhận email thông báo từ ban tổ chức của chương trình học bổng này, quá ư là thất vọng luôn. Vả lại lúc đó mình đã đến cái tuổi gọi là không quá trẻ để bay nhảy tứ phương nữa, ai cũng khuyên nên kết hôn, ổn định và yên bề gia thất, nhưng mình vẫn chưa chịu từ bỏ ước mơ du học.

Sau đó, mình nghe có chương trình du học mới mở ở Canada, chính phủ yêu cầu nộp hồ sơ du học căn cứ trên bảng điểm IELTS với kết quả học tập và quá trình kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam chứ không cần phải chứng minh tài chính, nên mình nộp ngay. Thế là đậu.

Nói đến chuyện học, giờ ngẫm lại mình thấy bản thân thật ra không quá mê học, không thích việc học chỉ gói gọn trong điểm số ở nhà trường, mà còn làm sao để trau dồi các kiến thức, kỹ năng đó bằng cách tham gia đủ các chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ này nọ, nên về mặt điểm số học thuật GPA không có chi gọi là quá xuất sắc, học tà tà để đủ tiêu chí làm một chuyện gì đó chứ không suy nghĩ nhiều cách làm sao lọt vô top 3, top 5, top 10.

Đến khi sang Canada, bỗng dưng mình tìm ra đam mê học. Vì mình đăng ký chương trình sau đại học với các khóa học mang tính ứng dụng cao, có thể áp dụng vào thực tiễn liền nên mình quyết tâm phải học hết các tinh hoa ở đây với hành động và niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể vừa học vừa áp dụng những gì từ lý thuyết vào trong cuộc sống cá nhân cũng như chuyên môn của mình.

Lúc đó mình chỉ biết là đăng ký ngành học hợp ý thích của mình, học phí dễ thở hơn so với các chương trình sau đại học hai, ba năm khác cho sinh viên quốc tế nên chịu khó đăng ký chương trình học một năm nặng chút cũng được. Về học phí thì mình viết đơn xin học bổng một ít, vay ngân hàng một ít, kết hợp khoản tiết kiệm của mình một ít, vậy là có đủ độc lập tài chính tự lo cho bản thân trong thời gian du học.

Với lại lúc đó mình cũng khá tự tin vô bản thân là sẽ có khả năng kiếm thêm thu nhập qua công việc làm thêm 20 tiếng/ tuần theo quy định của chính phủ khi du học Canada nên cứ vậy tiến tới thôi. 

Sau khi mình đăng ký chương trình học rồi lại nghe biết bao lời cảnh báo về chương trình học một năm sau đại học nặng lắm, tư vấn mình nên đổi khóa học với lý do mình học và làm kế toán ở Việt Nam, bây giờ lại đăng ký ngành Quản Trị Kinh Doanh Quốc Tế thì nhọc nhằn lắm nè.

Tuy nhiên, lúc đó mình không muốn học lại từ đầu kế toán của Canada, vì nghĩ đơn giản là nó sẽ giới hạn khả năng tìm hiểu về ngành nghề của mình trong môi trường kinh tế, tài chính quốc tế, học xong chỉ áp dụng được ở Canada thôi chứ về Việt Nam thì áp dụng sao, hay nếu mình còn muốn đi tiếp nước khác, giả sử qua Nhật lại, hay muốn qua Mỹ, châu Âu trải nghiệm chuyện học, cuộc sống mới thì liệu ứng dụng được việc học kế toán của Canada không.

Tóm lại, lúc đó mình nghĩ mục đích học và trải nghiệm của mình để khi hoàn thành mình sẽ trở thành một con người tự tin hơn trong việc thả ở mô cũng sống được, sẽ làm được công việc mình thích chứ không bị gò ép vào việc gọi là “hy sinh học thứ mình không thích” chỉ vì kiếm đường định cư ở Canda.

Đơn giản cũng bởi mục đích khởi xướng đi Canada của mình không hẳn bắt buộc phải có được tấm thẻ định cư, mà mục tiêu chính là tìm ra bản thân mình có những khả năng tiềm ẩn chi, thế mạnh khác biệt là gì, làm chi có ý nghĩa, để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời của mình. Và đặc biệt mình luôn mong rằng những nơi mô mình đi ngang qua, nhất định chỗ đó sẽ để lại một chút dấu ấn tích cực mà mình mang lại.

Nghĩ vậy nên mình cố gắng học, học từ nhà trường, từ bạn bè, từ các hoạt động ngoại khóa, từ các công việc và trải nghiệm hàng ngày của mình. Càng thấy ý nghĩa và ứng dụng thực tiễn của việc học, mình càng thấy đam mê hơn.

Thậm chí có những lúc xếp lịch làm với lịch học kín mít, mình dần quên mất khái niệm vui chơi cuối tuần luôn. Tuy nhiên, khi càng bận sẽ buộc mình suy nghĩ cách quản lý thời gian hiệu quả hơn, tìm ra các phương pháp học cũng hiệu quả hơn để thích nghi với khung thời gian đó. Chứ nếu không làm được những việc đó thì mình sẽ rất dễ bị đuối và cảm thấy áp lực mỏi mệt chỉ muốn từ bỏ giữa chừng thôi.

Thế là với bài kiểm tra đầu tiên về môn Xuất Nhập Khẩu Quốc Tế, ai ai trong lớp cũng căng thẳng vì thầy bảo học thuộc các nguyên tắc quốc tế về trách nhiệm vận chuyển, thuế, hải quan, và các vấn đề liên quan xuất nhập khẩu giữa người mua và người bán. Đó là một bảng nguyên tắc dài dằng dặc và dễ nhầm lẫn giữa các thông tin, đòi hỏi phải thật hiểu thuật ngữ tiếng anh của mỗi nguyên tắc, trí nhớ lâu và khá chắc sự khác nhau giữa các nguyên tắc đó.

Lúc đầu mình cũng căng thẳng vì mới kỳ đầu tiên mà thấy khó rồi, sợ không biết kỳ thứ hai còn căng ra răng nữa, nhưng sau lấy lại bình tĩnh và suy nghĩ chiến thuật học bảng nguyên tắc đó. Thay vì bị rối thông tin toàn chữ là chữ, mình đã sáng tạo số hóa nó vào một bảng excel để tự tạo sự logic riêng, phù hợp với cách học của bản thân và nhớ nó một cách chắc chắn mà không mất nhiều thời gian học, chờ tới lúc thi thì thi hết mình thôi.

Cuối cùng, khi thầy phát bài và thông báo chỉ có một người đạt điểm tối đa. Lúc đó mình chỉ chăm chăm bài làm xem mình đúng sai như nào mà không để ý lắng nghe lời thầy nói. Bất thình lình người bạn bản xứ ngồi cạnh mình hỏi mình đúng nhiều hay ít. Mình nói: “đúng 25/25 câu”. Thế là nó bảo: “eh vậy mày là cái đứa duy nhất thầy nói đạt điểm tối đa đó há”. Thế là mình đùa lại: “ơ vậy chỉ có một người đạt điểm tối đa thôi à, tao tưởng tao mà 25/25 thì mày cũng vậy chứ”

Vì trong thâm tâm khi sang Canada học, mình luôn có một chút tự ti về việc học của người bản xứ *luôn luôn* sẽ hơn sinh viên quốc tế như mình bởi tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa của nó, nó lại không có suy nghĩ nhiều, áp lực nhiều khi  học xa nhà như sinh viên quốc tế tụi mình.

Cảm giác lúc nhận được kết quả cao nhất lớp đó cứ gọi là phơi phới! Rồi những bài thi sau, mình cũng tự sáng tạo lập ra chiến lược học phù hợp với xì- tai của bản thân với câu hỏi luôn đặt ra trong đầu là: “làm sao để tối đa hóa điểm số của mình trong thời gian học hạn hẹp nhất”.

Do đó, mình luôn tìm chiến lược học để bảo đảm vừa đủ kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp tương lai, vừa dự đoán đề chính xác nhất có thể để đủ điểm số, đủ tiêu chí xin học bổng tiếp. Rồi cứ học, thi, làm việc, tư duy hết mình vậy, có khi thi xong mình không có thời gian kiểm tra điểm trên mạng nữa, cho tới lúc bạn cùng lớp hỏi điểm số mình như thế nào thì lúc đó mới biết có điểm rồi.

Hoặc có những môn thi xong thầy cô đợi đến cuối kỳ mới đăng lên hết một lượt, rồi một ngày đẹp trời mình nhận được kết quả trung bình cả kỳ là GPA 4.0. Thật, lúc đó mình cứ nghĩ hệ thống điểm số của trường bị lỗi chứ không dám tin vô mắt mình là mình có thể đạt được điểm tối đa cho tất cả các khóa học tròn trịa như vậy.

Xong từ đó, mình lại nhận định sâu sắc hơn về việc một khi mình làm việc chi đó với hết nỗ lực, hết tâm trí tập trung cho nó trong thời gian đó thì cuối cùng mình sẽ gặt hái được thành quả, có khi hơn cả mong đợi à. Sau kết quả học tập đó, mình xin học bổng liền, cứ chắc mẩm điểm cao nhất rồi thì cứ rứa nộp bảng điểm xin học bổng thôi, mô ngờ trường có yêu cầu là phải viết thêm một loạt các bài luận trả lời câu hỏi của trường nữa.

Tiếp theo, trường xét điểm và xét bài luận của mình. Ngang đây là mình cũng không dám hi vọng nhiều, vì sợ thất vọng như lần xin học bổng đi Nhật du học, mình cũng chỉ biết luyện viết luận hết mình, trả lời y như những tình huống gặp phải của bản thân và tư duy sao không bị lạc đề so với câu hỏi đưa ra. Và sau sáu tuần, mình nhận được kết quả sinh viên quốc tế duy nhất trong khoa của chương trình sau đại học được học bổng.

Thiệt là cảm giác tự hào, hạnh phúc, mừng không chỉ có thêm hỗ trợ tài chính, mà là khoảnh khắc vinh danh tên mình trên sân khấu với số điểm tuyệt đối là cảm giác và trải nghiệm mà mình sẽ không bao giờ quên trong hành trình du học Canada. 

Quả thật quá trình quan sát nhiều trường hợp du học đã giúp mình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi vì răng không nghĩ cách kiếm thêm thu nhập từ việc học, tập trung những hoạt động đúng với vai trò là một sinh viên quốc tế, là phải học hết mình, là tự dưng được mệnh danh “Vietnamese genius”. 

Vậy là rốt cuộc vừa có thêm tiền học bổng nè, có thêm giá trị về tài chính, lại vừa có thành tựu để sau này còn có thể đính kèm vào tiểu sử bản thân liên quan đến công việc mơ ước trong tương lai.

[To be continued…]