Chương 4
Hành trình dẹp bỏ tính bảo thủ và kiếm việc làm thêm

By SANG NGUYEN

Qua một đất nước mới, mình mang theo những hành trang gì? Một ít tiền dự phòng rủi ro, bằng đại học và các chứng chỉ kỹ năng mềm cũng như chuyên môn kế toán tài chính ở Việt Nam, chi nữa, mang thêm 5 năm kinh nghiệm làm việc tại một tổ chức phi chính phủ quốc tế ở Huế và mang theo cả cái tính bảo thủ, cứng nhắc của mình nữa.

Nhìn ngoài thì mình có vẻ như người khá thành công sau khi kết thúc thời sinh viên ở Huế vì có được công việc như mơ khi ra trường, được đi đây đi đó, công tác nước ngoài này nọ. Tuy nhiên, mình luôn cảm giác sâu bên trong bản thân rất kém, nhiều yếu điểm, không quyết đoán, muốn làm một việc gì đó mà người ta bảo đừng là thôi luôn, ít động não suy nghĩ vì răng người ta bảo vậy, rồi cứ chăm chăm cắm đầu cắm cổ làm theo thôi. Do đó, cách suy nghĩ hay làm việc đều khá cứng nhắc, ít muốn cải biến, sáng tạo và ngại sự thay đổi.

Cho đến một ngày tròn một năm tốt nghiệp đại học thì mình bắt đầu thấy chán bản thân và quyết định ghi chú, theo dõi lại hành vi, thái độ, suy nghĩ của bản thân sau mỗi ba tháng trôi qua.  Càng ghi lại những gì xảy ra xung quanh, cái cách bản thân suy nghĩ và hành xử ra sao, để ý bản thân mình thích gì, muốn gì dần dần trỗi dậy ngày một mạnh mẽ hơn, chủ động hơn.

Cho nên khi có cơ hội đi du học Canada, mình xác định là đi một mình không có gia đình thân thích, lại thích tự lập về tài chính nên tự dặn lòng là mình sẽ phải thay đổi, mình sẽ mạnh dạn hơn, quyết đoán hơn, tư duy nhiều hơn, tất cả những gì mình chưa bao giờ làm hay dám làm ở Việt Nam, khi đến Canada, nếu có cơ hội được thử thì mình sẽ thử làm hết mặc dù chưa biết là nó sẽ khó dễ như thế nào. Vì thế, qua mấy tháng đầu mình học cách tự thân vận động kiếm việc làm thêm.

Nghe người ta chia sẻ công việc gì dễ kiếm cho sinh viên quốc tế là mình thử ngay. Nhưng không phải cứ nói thử ngay là thử ngay được vì từ thẳm sâu trong lòng mình, tính bảo thủ quá cao, nghe người ta chia sẻ đó nhưng chưa chịu làm theo với suy nghĩ nếu từng làm kế toán ở một tổ chức quốc tế ở Việt Nam thì khi qua Canada chắc mẩm sẽ kiếm được vài việc tương đương như thu ngân, nhập dữ liệu kế toán, ghi các bút toán kế toán, đại loại là những việc liên quan kế toán.

Và vậy là suy nghĩ đó đã giới hạn các cơ hội việc làm của mình vì miệng nói sẽ làm, nhưng tư tưởng vẫn không thể thoát ra khỏi cái suy nghĩ bảo thủ ấy, nếu hay quen làm kế toán rồi thì làm sao dấn thân vô các mảng khác được như mảng dịch vụ nhà hàng, mình không biết làm phục vụ bàn, không rành chuyện bếp núc, làm thêm ở siêu thị thì cần kỹ năng chăm sóc khách hàng, hoạt ngôn, vâng vâng và mây mây, mình không được trang bị những kỹ năng đó thì làm sao dám xin việc ở đó.

Phần nữa đơn xin việc của mình ghi rõ tất cả kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam với ý ngầm định diễn giải hết các kinh nghiệm chuyên môn nhằm cho nhà tuyển dụng thấy mình có nhiều kinh nghiệm sổ sách kế toán mà thu ngân còn dễ hơn nhiều thì lý chi mình không làm được, lý chi mà không tuyển mình.

Nhưng mình sai! Ở Canada mình hay nghe câu mọi người thường nói về các nhà tuyển dụng: “tôi xin lỗi không thể tuyển dụng bạn vì bạn quá mức chuẩn (over-qualified) không phù hợp vị trí này”. Từ đó, mình mới nhận ra là không phải cứ có nhiều kinh nghiệm là kiếm được việc ở Canada, mà ăn thua là kinh nghiệm đó có phù hợp với vị trí mình ứng tuyển không, có phù hợp với những nhu cầu công việc mà Canada đang cần không.

Thứ nữa, mọi kinh nghiệm ở nước ngoài chưa chắc được ghi nhận tại Canada. Vì thế, mình phải điều chỉnh đơn xin việc cho tới lúc nộp đơn quanh gần hai tháng trời vẫn không có kết quả chi, quả thật, mình không ngờ là kiếm việc bán thời gian thôi mà cũng khó như vậy, thế là mình lại nhìn lại bản thân, bắt đầu để ý sâu kĩ đến những lời khuyên của người ta và rồi mình quyết tâm lần này là phải dám làm những việc ngoài sổ sách kế toán, thiết kế một đơn xin việc tổng quan cho những công việc phổ thông nhất bất chấp là có liên quan đến nghề cũ ở Việt Nam hay không, bất chấp là công việc lao động phổ thông hay bàn giấy hay là người lao công, hay là công nhân nhà máy.

Tuy nhiên, mình luôn muốn tìm những công việc mà mình phải dùng tiếng anh, không thể liên quan trực tiếp thì cũng gián tiếp tới kế toán-tài chính. Khi đó mình còn có suy nghĩ bí quá hay là nộp đơn vô bộ phận lao công của trung tâm tài chính lớn nhất của Toronto, rồi chỉ cần ngày ngày đi làm, quan sát cách người ta đi đứng, giao tiếp, làm việc ở ngân hàng, công ty bảo hiểm, các trụ sở tài chính như răng rồi tới khi học xong có thể phần mô giúp mình quyết định liệu có thích làm việc trong lĩnh vực ngân hàng không.

Hết chuẩn bị đơn xin việc, mình in tên số điện thoại ra từng mảnh giấy nhỏ để đi dạo quanh các trung tâm từ trung tâm tài chính đến mua sắm, nhà hàng, siêu thị xin việc. Mình thật không nhớ là đã đi hết mấy chục nơi, cảm giác khi làm những việc đó cực kì run sợ và khó chịu.

Vì răng? Vì thứ nhất sợ bị từ chối, thứ hai là việc đó mình chưa bao giờ phải làm khi ở Việt Nam, nên mình cứ chần chừ ngần ngại hoài, nhưng kiểu như nộp online thấy không hiệu quả nên thử mạnh dạn tới những nơi tuyển trực tiếp nộp luôn xem sao, rồi vì một phần muốn độc lập tài chính tại Canada và quá quyết tâm thay đổi bản thân nên mình cứ vậy tâm bảo thân bước tiếp để quan sát cảm xúc của mình ra sao, kết quả tạo ra sẽ là gì nếu mình chấp nhận thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Ngoài cách đó ra, mình cũng tham gia đủ hoạt động ngoại khóa ngoài việc học ở trường nhằm kết nối thêm nhiều bạn bè mới, học hỏi thêm cách kiếm việc của họ. Mặt khác, cũng bởi mình luôn suy nghĩ lạc quan “ông trời không đóng cửa đường sống của bất kì ai”, lúc mình thấy khó khăn tiếp nối khó khăn và lâu gặt hái được kết quả như ý thì chẳng qua mình tư duy chưa đủ hay cố gắng chưa hết mình hay thử chưa hết cách.

Vậy thôi, nên cứ tiếp tục cố gắng, thử đủ cách và kết quả là mình có được công việc bán thời gian như ý muốn trong một siêu thị là siêu thị con của một công ty chuyên cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm lớn nhất Canada, trong môi trường đa số là người bản xứ để không ngừng học hỏi từ họ, để tiếp cận tư duy phương Tây nhiều hơn, để cố gắng hiểu họ thế nào mà đất nước họ phát triển như thế.

Tóm lại, bài học đầu tiên khi qua một đất nước hoàn toàn mới đối với mình là hãy tập sống mở lòng hơn, trước khi thử hay thu thập đủ thông tin về việc gì đó thì khoan phán xét, khoan từ chối hay loại trừ các lựa chọn đó, tạm bỏ qua cái tôi cao ngất trời để bắt đầu học, làm với những hoạt động, công việc chưa bao giờ làm ở Việt Nam.

Ở môi trường nước ngoài, mình phải không ngừng học hỏi, không ngừng quan sát và đặc biệt là khi biết mình thích làm chi, muốn chi thì phải làm tới nơi tới chốn, không bàn lui, cố gắng mở miệng chia sẻ, nói ra, chứ cứ giữ trong bụng chập rồi cũng hư thối thôi chứ không ai quan tâm, không ai biết để mở đường dẫn lối cho mình đi đâu.

[to be continued]