Chương 2
Chiêm nghiệm về ý nghĩa của việc sử dụng tiếng Anh ở Canada
By SANG NGUYEN
Trước khi du học, mình đã có bằng cử nhân Kế toán – Tài chính tại trường Đại Học Kinh Tế Huế và vài năm kinh nghiệm làm việc tại một dự án nước ngoài tại Huế, rồi cũng kinh qua mấy kì thi lấy bằng tiếng anh quốc tế như TOEIC và IELTS, mình khá tự tin với kỹ năng tiếng anh, không có sự ngại ngùng khi gặp Tây, giao tiếp với họ. Có công cụ tiếng anh, tự dưng đi mô cũng không sợ, không biết đường thì cứ hỏi người đi đường, hỏi tài xế lái xe, tới các hội thảo gặp người lạ không đồng ngôn ngữ nói dăm ba câu tiếng anh cũng hóa thành bạn.
Lúc đó mình cứ tưởng tiếng anh của mình là ngon rồi, ít dành thời gian trau dồi cải thiện nó tiếp, cho đến một ngày mình gặp khó khăn trong việc đọc hiểu và tra cứu rất nhiều thông tin bằng tiếng anh để viết một bài luận dài vài chục trang, mình nhận ra là kỹ năng tiếng anh mình mới biết khi ở Việt Nam đó chỉ mới ngoài mặt chữ, mình vẫn chưa hiểu sâu sắc ý nghĩa, cách dùng của nó trong từng ngữ cảnh khác nhau. Hay nói cách khác là lúc đó mình nhận ra tiếng Anh của mình chẳng là “cái đinh gì” khi muốn trình bày, tranh luận, phản biện một chủ đề gì đó mà lâu ni mình cứ hay tự tin thái quá.
Những gì mình học tiếng Anh khi ở Việt Nam chỉ mang tính đối phó để lấy đủ điểm đi du học hơn là việc học tiếng anh với cách hiểu đa chiều và ứng dụng nó vào học tập, công việc và trao đổi thảo luận trong các môi trường chuyên nghiệp với người bản xứ. Thế là qua Canada, mình đăng ký học khóa tiếng anh cho mục đích thảo luận, thuyết trình, tư duy phản biện, làm việc trong môi trường học thuật và môi trường kinh doanh.
Qua khóa tập huấn đó, mình ngẫm ra một điều là để sử dụng tiếng Anh đúng nghĩa thành thạo trong môi trường chuyên nghiệp và có thể hòa nhập nhanh với người bản xứ, mình cần phải kết hợp với tư duy phản biện, sáng tạo, hiểu văn hóa xứ người và sử dụng làm sao thể hiện rõ ý kiến, cảm xúc khi nói cũng như khi viết tiếng anh.
Ngoài ra, sau khi đọc sách bằng tiếng Anh, mình phải dành thời gian làm các báo cáo, đặt các câu hỏi hay, liệt kê các từ vựng hay, tóm tắt lại phần đọc, và viết lại bài học gì mình đã rút ra từ các chương sách đó. Ngoài ra, cách học từ vựng cũng khá thú vị bằng cách bắt đầu học các từ gốc trước, sau đó là các tiền tố, hậu tố và các từ loại khác nhau được phát triển từ gốc đó. Ví dụ đơn giản với từ “nation” có thể phát triển những từ khác nhau như “national”, “nationality”, vậy là từ một từ, mình có thể học thêm được hai từ khác nữa.
Rồi trong cung cách giao tiếp, phát âm, mình hay ngại nói tiếng Anh với giọng Việt sẽ khó hiểu cho người nghe nên cũng học theo cách làm sao phát âm cho y chang người bản xứ. Do đó, mỗi khi tiếp xúc với người bản địa mình hay nhìn khẩu hình miệng và nghe cách họ nói chuyện để bắt chước theo.
Tuy nhiên, thực tế phũ phàng là mình bắt đầu tập trung cho việc học tiếng Anh khá muộn (sau khi kết thúc sinh viên năm thứ hai ở Đại Học Huế với chuyên ngành kế toán-tài chính mà đầu vào chỉ tập trung luyện thi cho ba môn Toán – Lý – Hóa), vì thế cách mình luyện uốn giọng cho được như người bản địa vẫn khá cứng và quá khó khăn, không như mấy bạn học chuyên ngoại ngữ hay được rèn tiếng anh du học từ cấp 1, 2, 3 hay đại học ở Việt Nam. Gắng hết sức để phát âm cho được 100% như người bản xứ tự nhiên làm giảm đi sự tự tin khi giao tiếp trong mình và càng ngại vươn ra các môi trường toàn người bản xứ Canada.
Nhưng, mình thiết nghĩ nếu không có sự tự tin vô bản thân thì sẽ không dám làm điều chi cả, vì thế mình tiếp tục quan sát, bắt chước người ta nói mà không quá ép buộc bản thân phải như này như kia, tìm ra các môi trường thực tiễn giúp mình nghe nói tiếng anh càng nhiều càng tốt để trau dồi kỹ năng giao tiếp tiếng anh không ngừng nghỉ. Quan trọng là làm sao lấy sự tự tin cho bản thân.
Và trên hành trình đó, tiếp xúc không chỉ với người bản xứ, mà còn với bạn bè quốc tế, mình nhận ra xứ Canada phần lớn là người nhập cư (bao gồm du học sinh, người lao động công tác dài hạn, thường trú nhân) chiếm đến hơn 80% dân số toàn quốc theo báo cáo của Cục Thống Kê Canada năm 2020. Do đó, số người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là rất rất nhiều, khó có ai mà giọng phát âm y 100%, trừ trường hợp họ sinh ra và lớn lên tại xứ đó. Vậy mình ngẫm lại tại sao mình phải tự ti với tiếng Anh giọng Việt của mình?
Từ đó, cách luyện phát âm của mình chuyển hướng một chút, đó là tập phát âm đúng đủ âm tiết, đúng trọng âm, nói chậm rãi mà rõ ràng, tập sao để khi giao tiếp là không tự ti với tiếng Anh giọng Việt của mình nữa. Ngoài ra, khi giao tiếp, mình cố gắng thể hiện cảm xúc thông qua khuôn mặt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt rõ ý hơn, và đặc biệt là giao tiếp với toàn bộ sự chân thành và tự tin của bản thân với đối phương.
Thứ nữa, điều khác biệt mình nhận ra trong lối học tiếng Anh khi ở Việt Nam và khi ở Canada là lối tư duy và phương pháp học của nó. Ở Việt Nam, mình chỉ học theo lối mòn truyền thống như các tips đạt điểm cao trong IELTS, các bài luyện nói tủ, hay vài nghìn từ vựng cần thiết cho IELTS mà quên đi mục đích của việc học tiếng Anh là phải rèn luyện làm răng để giao tiếp, tư duy, và làm việc như người bản xứ khi đi sang một đất nước hoàn toàn nói tiếng Anh (và tiếng Pháp) như Canada.
Thế là mình bắt tay vào luyện cách thuyết trình, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo bằng tiếng Anh. Ví dụ cách dùng của cụm từ “Moving The Goalposts”, đây là một trong những cụm từ giải thích lối tư duy nhằm đưa ra các luận điểm phản biện với ý kiến của đối phương, nghĩa đen đơn thuần là mình di chuyển gôn bóng từ nơi ni sang nơi khác. Từ đó suy ra nghĩa bóng sử dụng trong trường hợp khi một ai đó di chuyển hay thay đổi quy tắc trong các luận điểm của một tình huống cụ thể để tạo ra lợi thế cho bản thân và tạo sự khó khăn cho đối phương.
Đấy chỉ là một vài ví dụ đơn cử cho việc học tiếng Anh để sử dụng, thảo luận, trao đổi với người bản xứ thì phải hiểu sâu như thế nào. Bên cạnh đó, trong quá trình ở Toronto, mình đã gặp rất nhiều bạn điểm thi IELTS khá cao vẫn gặp khó khăn rất nhiều trong việc nghe hiểu, đọc hiểu khi mới sang. Điều đó cho thấy rằng việc học IELTS sẽ vô ích nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào việc học tips có điểm cao mà quên trau dồi, thực hành nó vào các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống thực tiễn.
Đặc biệt, trong các bài học luyện nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh, học đúng nghĩa là học từ câu chữ đến cả kiến thức xã hội với nhiều khía cạnh được cung cấp từ các bài học đó, như bài đọc về cách trồng cây bơ, không những chỉ học về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp trong câu mà còn học cách trình bày lại phương pháp trồng cây bơ theo cách hiểu, ngôn từ của mình bằng tiếng Anh. Như thế thành ra mình hiểu biết thêm kiến thức mới về cây bơ ngoài mặt từ tiếng Anh của nó rồi.
[To be continued…]