Chương 1
Mùa đông đầu tiên và những lần say xe túi bụi – say xe dồn dập

By SANG NGUYEN

Đặt chân đến Canada vào một ngày trời se lạnh giữa giai đoạn chuyển mùa thu và đông cuối năm 2017, mình cũng chạnh lòng, se lạnh theo. Cái chạnh lòng ở đây không những vì thời tiết mà là vì đi đến một vùng đất mới, xa Huế cả nửa vòng trái đất, không gia đình, không người thân, mục đích đi du học có đạt được kết quả như ý không, liệu có gặp khó khăn quá, nhớ nhà quá mà dứt bước quay về sau vài ba tuần không.

Tóm lại, cảm giác vừa hào hứng, vừa lo sợ, vừa hơi bị choáng trước những thứ quá mới mẻ ở một thành phố hiện đại như Toronto, Canada. Bởi mình sinh ra, đi học, đi làm đều chỉ loanh quanh luẩn quẩn ở một thành phố nhỏ, đi xa nhất cũng chỉ tầm 45-60 phút bằng xe máy trong trường hợp muốn du lịch ở ngoại ô thành phố, còn lại tần suất đi lại nhiều nhất cũng thường là đi học đi làm khoảng tầm 5-10 phút với xe máy.

Lúc rời Huế, trà sữa mới có mấy tiệm lưa thưa, muốn uống tiệm ngon phải đứng xếp hàng dài đợi, còn các cửa hàng bán thức ăn nhanh thì cũng chẳng phải quá phổ biến ở thành phố nhỏ như Huế. Đến khi sang một thành phố phát triển kinh tế, hoa lệ như Toronto, phải nói răng hè? Gọi là y chang “dân nhà quê mới lên tỉnh” vì một phần mình cũng chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống ở một thành phố lớn, hiện đại, đa số mọi thứ đều tự động hóa và công nghệ phát triển như thế.

Muốn di chuyển từ điểm A đến điểm B, mình phải dùng các phương tiên công cộng như tàu điện, xe điện, bus và thường cần ít nhất 30 phút đi lại tới một địa điểm nào đó. Ban đầu, mình sợ nhất là phải đi các chuyến xe này của Toronto vì triệu chứng say xe, khó ở với mùi xe, cảm giác ngột ngạt khi ngồi trong ô tô hay ở trong bất cứ thiết bị nào bốn mặt đều đóng kín của mình khi ở Huế, thậm chí một vài ngày đầu mình thà đi bộ vài ba tiếng để tránh các phương tiện đó quanh Toronto. Nhưng dần dà mình nhận ra các phương tiện chính ở Toronto là chúng nó, mình không thể trốn tránh chúng quá lâu được, mà phải đối mặt với nó, với nỗi sợ đó, và thử thách đầu tiên mình cố gắng vượt qua đó là DÁM QUEN VỚI SAY XE.

Với vài ngày đầu, mình cứ chuẩn bị vài bọc nilon để nôn khi cần thiết, thậm chí có lần đi taxi hoặc tàu điện với anh bạn đồng nghiệp cũ, mình cứ thoát ra xe cái là nôn, nôn xong thì than vãn với anh là mình chóng mặt mệt người muốn ngất quá chắc phải về Việt Nam thôi vì cứ mỗi lần lên trường hay đi làm mà đầu óc cứ xoay xẩm như ri thì làm răng tập trung suy nghĩ học tập làm việc được. Nhưng vì quyết tâm DÁM QUEN VỚI SAY XE để vượt qua nó và bước tiếp, vậy là khoảng gần một tháng sống chết với nó, chứng say xe của mình cũng giảm dần. Rồi sau lần đó mình ngẫm lại, mình nhận ra, “say xe” chỉ là trải nghiệm thường xảy ra ở Huế đối với mình và mình nghĩ là nó “phải” gắn liền với mình mỗi khi mình lên ô tô, nhưng thật ra đó chỉ là giả định do mình quá lo lắng, tâm lý quá sợ hãi nó, mình cho nó cái quyền được chế ngự đầu óc mình mà quên đi việc tập trung luyện tập để tạo thành thói quen không say xe khi mỗi lần vào ngồi xe bus hay ô tô. Thế là mình quyết tâm rèn tâm lý, luyện thói quen và sau đó đi lại bằng các phương tiện công cộng bình thường như bao người.

Đến Canada, mình thấy khá lạc lõng, chơi vơi con đường tương lai phía trước, mình cứ suy nghĩ hoài câu: “What do I want? – Mình muốn cái chi hè?”, “What should I do? – Mình nên làm gì để vượt qua khó khăn ở nơi xứ người”, “Who would be my emergency contact? Who can I ask for help? – Ai sẽ là người liên lạc nếu mình gặp sự cố rủi ro khẩn cấp? Ai mà mình có thể hỏi nhờ sự giúp đỡ khi có vấn đề?” Thật sự, khi càng nghĩ về những điều đó, mình càng lo lắng, càng hoảng sợ. Nhưng với tính tự lập vốn có, mình không thể gục ngã trước mọi khó khăn ấy. Rồi ý tưởng lướt mạng tìm mentor lóe lên trong đầu mình. Các bạn có biết vì sao không?

Thứ nhất là vì với quan sát đầu tiên về hệ thống công nghệ tiên tiến ở Toronto, mình thấy rất nhiều người làm quen, kết nối nhau trên các trang mạng xã hội hay các hội nhóm online, vậy là mình dấn thân vào thử, kết nối làm quen thông qua website Quora – nơi mọi người đăng câu hỏi và nhận được các câu trả lời từ các chuyên gia trên khắp thế giới, mạng xã hội Linkedin – nơi mọi người kết nối theo công việc chuyên môn như nhiều người vẫn hay so sánh với các app ứng dụng tìm bạn yêu thương hẹn hò bốn phương, nhưng Linkedin đa số dành cho người muốn kết nối trong công việc chuyên nghiệp hơn; và phần mềm ứng dụng trên điện thoại Meet Up – nơi mọi người có thể theo dõi, tham gia một nhóm hội nào đó cùng lý tưởng, sở thích, ngành nghề để cùng thực hiện một hoạt động nào đó, hoặc cũng là nơi mà bạn có thể tự tạo ra nhóm hội của mình.

Thứ hai là vì qua Canada đúng mùa lạnh cóng, mình lại hay nghe đồn về những bệnh gây ra do lạnh như nứt da, dị ứng thời tiết, khó thở, có nơi tuyết cóng quá có người còn bị đứt tay, đứt tai do lạnh đông cứng tay và tai…nên ban đầu mình khá thận trọng không dám ra đường nhiều, không dám gặp ai, vì thế con đường khả thi nhất để tìm mentor lúc đó là qua online.

Thật ra bản thân đã có những suy nghĩ, những dự định làm sao tối đa hóa những lợi ích, những điều hay ho của việc du học, trải nghiệm ở một nước phương Tây, nhưng mình vẫn cảm giác bị lạc hướng, không rõ ràng mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của mình. Thứ nữa là mình đi tham dự các cuộc hội thảo do trường tổ chức về định hướng ngành nghề, ai ai cũng khuyên mỗi cá nhân nên cần có một mentor. Lúc đó, khái niệm mentor khá mới mẻ đối với mình, mình chỉ hiểu nôm na mentor theo từ điển anh-việt là một người cố vấn dạn dày kinh nghiệm, đôi khi mình cũng lầm họ như là một nhà giáo dạy cho mình những điều hay lẽ phải, nhưng dần dà mình nhận ra một mentor sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn hơn để định hướng công việc, phát triển bản thân và phát triển doanh nghiệp cho mỗi cá nhân hay nhóm hội, đoàn thể.

Vậy là thông qua Quora, mình đã tìm ra mentor của mình, đó là một cô người Mỹ định cư ở Canada hơn 15 năm rồi nên ít nhiều hiểu được sự khó khăn của người mới đến Canada như mình. Tuy nhiên, để thuyết phục được người ta sẵn sàng hỗ trợ dẫn dắt mình khi mình đang không rõ con đường nên đi như răng, mình đang rất cần sự giúp đỡ về việc định hướng những gì nên làm ở một đất nước xa lạ trong khi bản thân lại không có điều kiện tài chính dư dả để trả phí mentor thì quả là một bài toán khó.

Do đó, mình luôn phải động não, suy nghĩ nhiều chiến thuật, mất khá nhiều thời gian chứng minh rằng việc giúp đỡ hỗ trợ mình sẽ phần nào tạo ra giá trị trong công việc của họ trong tương lai. Thế là email nối tiếp email, điện thoại nối tiếp điện thoại để hẹn được cuộc gặp mặt đầu tiên với cô đó sau gần ba tháng liên lạc. Trước khi gặp cô ngoài đời thực, mình hay lo cô sẽ nghĩ gì về mình, liệu cô có chấp nhận giúp đỡ mình dài hạn với mức phí thấp nhất mà mình có thể lo được không, lo tiếng anh không đủ để giao tiếp với người bản xứ như cô, mà cô này lại chưa bao giờ giao tiếp với người nói tiếng Anh mà không phải là ngôn ngữ chính của họ như mình.

Ui, mình thấy tim đập mạnh, cảm giác run run khó tả, gần tới tiệm café gặp rồi mà cái chân cứ muốn đi lùi lại vì quá có nhiều nỗi lo sợ, nhưng rồi tâm tự bảo thân đã quyết gặp cô rồi, hẹn được cô rồi thì phải cứ tiến lên phía trước cho tròn kế hoạch. Ừ rồi mình đã thành công với bước đó và dần mối quan hệ của cô với mình ngày một thân thiết hơn, không phải câu nệ về tôn ti trật tự vai vế giữa hai bên nữa, mà dần trở thành một đôi bạn thân dù cô đó trạc tuổi mẹ mình.

Qua tiếp xúc, làm việc, chia sẻ giữa cô và mình thì dần sau này mình nhận thấy mentor đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên các quyết định của bản thân, nếu không có cô mình sẽ khó quyết đoán để đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho bản thân. À thêm điểm cộng nữa là nhờ cô, mình kết nối được thêm rất nhiều người bạn mới mà kinh nghiệm về công việc, về cuộc sống phải gấp ba lần kinh nghiệm của mình, để từ đó mình nhận ra mình phải làm gì để khi đến tuổi xế chiều, mình sẽ không phải hối hận hay thấy luyến tiếc với những việc mình làm.

Thật vậy, khi chính bản thân dấn thân vào thử, trải nghiệm và tìm mentor cho cuộc sống của mình ở Canada, thì, mùa đông lạnh cóng, cái say xe túi bụi và cảm giác mất phương hướng, không biết đi mô, về mô, làm chi sẽ vơi đi hơn phân nửa đấy các bạn.

[to be continued…]